Cà chua xoăn lá, phải làm sao?

15/5/2020

Bệnh gây hại nặng nề ở các vùng đã trồng cà chua nhiều năm. Đặc biệt những vùng trồng nhiều loại cây trồng cũng là ký chủ của bệnh.

1. Nguyên nhân gây bệnh:

Đây là bệnh do Virus gây ra, cây bị bệnh nặng không có khả năng phục hồi. Cần phải chú ý phòng trừ bệnh cho cây từ lúc mới gieo trồng. Bệnh xuất hiện ở gần như tất các các giai đoạn của cây nhưng nhiều nhất ở thời kỳ cây bắt đầu ra hoa (cần đặc biệt chú ý giai đoạn này).

2. Triệu chứng:

  • Cây bị bệnh lá bị vàng trong khi gân lá còn xanh tạo thành vết xanh vàng loang lỗ. Lá nhỏ lại, nhăn nheo và thô cứng
  • Các lá ngọn bị xoăn vàng, nhăn nheo, cây sinh trưởng kém, thấp nhỏ, phân nhiều cành, cằn không phát triển được. Nếu bị giai đoạn đầu cây còi cọc, cây cà chua không ra quả
  • Cây bị bệnh sớm và nặng có thể chết. Nếu bị muộn và nhẹ hơn lá non ra sau bị xoăn, cây có thể ra hoa và quả nhưng sẽ rụng nhiều; nếu có quả thì quả nhỏ, méo mó, cứng, chất lượng kém.

3. Đặc điểm lây lan:

  • Bệnh lan truyền bằng dịch cây, hạt giống, qua tàn dư cây bệnh vụ trước.
  • Lây lan qua cơ giới trong quá trình chăm sóc như tay, dụng cụ lao động, quần áo, cắt tỉa…
  • Lây lan do côn trùng chích hút truyền bệnh như bọ trĩ, bọ phấn trắng, rầy mềm… Mật độ côn trùng chích hút càng cao thì tỉ lệ cây bị bệnh xoăn lá càng nhiều.
  • Bệnh thường xảy ra trong vụ cà chua sớm, nhiệt độ cao 28-35 độ C.

4. Phòng trừ bệnh xoăn lá cà chua bằng cách nào?

Bằng biện pháp canh tác:

  • Chọn giống:Để phòng bệnh xoăn lá trên cây cà chua thì việc chọn giống rất quan trọng. Phải chọn được giống cà chua ít nhiễm bệnh virus, khả năng chống chịu sâu bệnh cao. Đặc biệt là phải mua ở những đại lý giống có uy tín ở địa phương giúp cây giống có khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết. Lưu ý: chọn cây khỏe mạnh, không dị hình, không bị dập nát, rễ trắng, ngọn phát triển tốt, vết ghép liền da (đối với cà chua ghép).
  • Vườn ươm:Đối với vườn ươm phải cao ráo, thông thoáng, sau mỗi lần xuất vườn phải xử lý dụng cụ vườn ươm. Vật liệu ươm giống phải phơi khô, hoai mục.
  • Đất trồng:Đối với những vườn trồng luân canh cây cà chua cần dọn vườn sạch sẽ, tiêu hủy hết tàn dư cỏ dại trong vườn. Xới xáo kỹ, bón vôi ngay khi cày lật đất, phơi ải 7-10 ngày trước khi trồng. Nên chọn những chân đất mới trước đây chưa từng trồng cây họ cà, đất thịt pha cát, đất bazan có độ pH từ 5.5 – 6.5 là tốt nhất.
  • Mật độ trồng:Mùa khô: Nên trồng hàng cách hàng 70cm, cây cách cây 50cm. Mật độ 27.000 cây/ha. Mùa mưa: Trồng hàng cách hàng khoảng 1-1,2m , cây cách cây 50-60cm. Mật độ 18.000-20.000 cây/ha. Chú ý: Nên trồng cây vào buổi chiều mát, khi trồng tránh vỡ bầu, nén đất không quá chặt.

Bằng biện pháp vật lý:

  • Dùng bẫy dính màu vàng (20cm x 30cm, đặt so le 3m/cái) để thu hút con trưởng thành.
  • Dùng giấy bạc treo trên ngọn cây tạo ánh sáng phản xạ xua đuổi côn trùng chích hút
  • Dùng lưới quây xung quanh vườn với chiều cao 1,8-3m (nơi ánh sáng ít, gió yếu quây lưới thấp 1,8m).

Giải pháp khác phục khi phát hiện cà chua mắc bệnh xoăn lá:

  • Cắt tỉa những cành bị nhiễm nhẹ, nhổ bỏ, tiêu hủy những cây bị nhiễm nặng để tránh lây lan.
  • Sử dụng thuốc sinh học có thành phần chitosan để khống chế bệnh, ngăn ngừa bệnh phát triển, tăng khả năng chống lại các nấm bệnh gây hại khác.

Theo Sinhhocvietnam.com.vn

Thành công, Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn sớm nhất!

Có lỗi, vui lòng thử lại sau!!!